I- GIỚI THIIỆU CHUNG
1. Bối cảnh thành lập Trung tâm
Đặc điểm nổi bật của thế giới đương đại là sự phát triển với tốc độ cực nhanh nhưng mất cân đối, không đồng đều và thiếu bền vững. Vì vậy, xu hướng của nhân loại trong thế kỷ XXI là hướng tới phát triển bền vững. Để có được sự phát triển bền vững đó, văn hoá đóng vai trò một trong những nhân tố quan trọng nhất.
Ở Việt Nam, Hội nghị lần thứ 5 BCHTƯ Đảng (khoá VIII) họp ngày 16/7/1998 đã thông qua Nghị quyết chuyên đề số 03/NQ-TW về “Xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Từ đó đến nay, mọi văn kiện của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhấn mạnh văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; văn hoá vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển.
Trong quá trình giao lưu hội nhập hiện nay, bên cạnh sự phát triển đi lên, có một thực tế không thể phủ nhận là sự xuống cấp về văn hoá, băng hoại về đạo đức, sự phổ biến của các hiện tượng tiêu cực… cũng gia tăng.
Dự thảo phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 5 năm 2011-2015 (do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành) xác định rõ nhiệm vụ “Nghiên cứu toàn diện về văn hoá và con người Việt Nam phục vụ chính sách phát triển văn hoá, con người và nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hoá…”.
Kế hoạch Chiến lược ĐHQG-HCM giai đoạn 2011-2015 coi việc xây dựng văn hoá đại học của ĐHQG là một nhóm chiến lược đứng vị trí thứ hai trong số 5 nhóm chiến lược phát triển ĐHQG-HCM. Trong xu thế xây dựng ĐHQG-HCM theo định hướng đại học nghiên cứu, việc đẩy mạnh nghiên cứu KHXH-NV sao cho đồng bộ và ngang tầm với sự phát triển của KHTN&CN là một nhiệm vụ quan trọng.
Sự ra đời của Trung tâm Văn hoá học Lý luận và Ứng dụng sẽ góp phần đáp ứng việc hiện thực hóa những chủ trương đó.
2. Tên gọi
- Tên chính thức:
Trung tâm Văn hoá học Lý luận và Ứng dụng
(gọi tắt là: Trung tâm Văn hoá học, viết tắt là: TT VHH LL&UD) - Tên giao dịch tiếng Anh:
Centre for Theoretical and Applied Culturology (viết tắt là: CTAC) - Tiếng Nga: Центр Теоретической и Прикладной Культурологии (viết tắt là: ЦТПK)
- Tiếng Hoa giản thể: 文化学理论与应用中心
Tiếng Hoa phồn thể: 文化學理論與應用中心
3. Địa chỉ
- Trụ sở chính: Phòng B010, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
- Điện thoại: (84.28) 39104078
- Fax: (84.28) 33221290
- E-mail: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com
4.Quyết định thành lập
Số 675/QĐ-ĐHQG-TCCB do giám đốc ĐHQG-HCM ký ngày 19-7-2011
5. Cơ quan chủ quản
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQG Tp. HCM
6. Người lãnh đạo trung tâm
– Từ 2011 – 3/2017: GS.TSKH.Trần Ngọc Thêm
– Từ 3/2017 – nay: TS. Phan Anh Tú
7. Biểu tượng (logo)
Biểu tượng này của Trung tâm Văn hoá học Lý luận và Ứng dụng do GS. Trần Ngọc Thêm và họa sĩ Di Linh phối hợp thiết kế năm 2011.
Ba chữ cái Vhh là viết tắt của “văn hoá học”. Hình tam giác trong chữ V biểu tượng cho vùng châu thổ sông Mekong. Hình hai ngọn sóng biểu tượng cho vùng sông nước. Màu đỏ là màu của phù sa. Màu xanh lá là màu của cây trái. Hai con chim bay biểu tượng cho xứ nóng phương Nam.
Hình thoi thể hiện cho sự vận động một cách ổn định (hình thoi là trung gian giữa tròn và vuông). Hình thoi mở (ở phần đầu chữ V và cánh chim) thể hiện tính cách thoáng mở của người phương Nam, cũng là tính chất thoáng mở trong hoạt động của Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng.
8. Cơ quan ngôn luận
Website vanhoahoc.vn (www.vanhoahoc.edu.vn, vanhoahoc.net) là nơi đăng tải các sản phẩm cũng như phản ánh mọi mặt hoạt động của Trung tâm Văn hoá học Lý luận và Ứng dụng, đồng thời là nơi quy tụ tất cả những người yêu văn hoá và thích văn hoá học.
9. Bài hát truyền thống
“Bài ca văn hoá học” do nhạc sĩ Trần Thanh Hà sáng tác tháng 11 năm 2007 là bài hát truyền thống chung của Khoa Văn hóa học và Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng.
10. Văn phòng Trung tâm
Phòng B010, Trường Đại học KHXH & NV, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Bàn trực của Trung tâm
Phòng họp của Trung tâm
II. SỨ MỆNH, MỤC TIÊU, CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA TRUNG TÂM
1. Sứ mệnh
Đưa văn hoá học vào từng hơi thở của cuộc sống
và đưa cuộc sống vào từng trang nghiên cứu văn hoá học
2. Mục tiêu
(1) Trở thành một trung tâm nghiên cứu, tạo lập và xuất khẩu tri thức văn hoá học thuộc loại hàng đầu trong nước;
(2) Trở thành một trung tâm cung cấp các dịch vụ khoa học chất lượng cao về văn hoá học cho xã hội (như phản biện xã hội, tư vấn xã hội, dự báo xã hội, v.v.); góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
(3) Cùng với Khoa Văn hoá học xây dựng “Văn hoá học Sài Gòn” thành một thương hiệu mạnh, được thừa nhận trên cả phạm vi quốc gia và quốc tế.
3. Chức năng nhiệm vụ
- Tổ chức các nghiên cứu cơ bản
- Tổ chức thảo luận các kết quả nghiên cứu; tổ chức công bố, dịch thuật, quảng bá các sản phẩm này ở trong nước và trên thế giới
- Tổ chức các hoạt động tư vấn và phản biện xã hội, phổ biến kiến thức
- Phối hợp với Khoa Văn hoá học nâng cao năng lực đào tạo sau đại học theo hướng đại học nghiên cứu.
4. Cơ cấu tổ chức (hướng xây dựng)
Mô hình tổ chức của Trung tâm Văn hoá học Lý luận và Ứng dụng bao gồm các bộ phận và tổ chức trực thuộc với tên gọi, chức năng, nhiệm vụ như sau:
(1) Ban Giám đốc Trung tâm:
Ban Giám đốc Trung tâm bao gồm Giám đốc và các Phó Giám đốc.
Giám đốc do Hiệu trưởng ký quyết định bổ nhiệm, là người đại diện pháp nhân của Trung tâm trong quan hệ với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước; chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động của đơn vị theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 115/2005/NĐ-CP.
Các Phó Giám đốc do Hiệu trưởng ký quyết định bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm, là người giúp Giám đốc Trung tâm triển khai thực hiện từng mảng công việc, hoặc thay mặt Giám đốc trong việc giao dịch và giải quyết công việc khi được Giám đốc ủy quyền.
(2) Hội đồng Trung tâm:
Hội đồng Trung tâm do Hiệu trưởng ký quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm, có từ 05 đến 07 thành viên là các nhà khoa học trong và ngoài nước, có năng lực và uy tín thuộc ngành văn hoá học (hoặc có liên quan mật thiết với VHH), thực hiện chức năng giám sát về hoạt động chuyên môn của trung tâm.
(3) Hội đồng Khoa học Trung tâm:
Hội đồng Khoa học Trung tâm do Hội đồng trung tâm giới thiệu và Giám đốc Trung tâm ra quyết định công nhận, có chức năng tư vấn cho Ban Giám đốc về các hoạt động của trung tâm, chương trình nghiên cứu phát triển, chương trình đào tạo của trung tâm.
(4) Văn phòng Trung tâm:
Văn phòng Trung tâm quản lý các công việc: (a) Quản trị hành chánh, (b) Tổ chức – nhân sự, (c) Kế hoạch – tài chánh, (d) Quan hệ đối ngoại.
(5) Phòng nghiên cứu cơ bản:
Là bộ phận chuyên môn làm nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện các nghiên cứu khoa học cơ bản về văn hoá học, văn hoá Việt Nam và các địa phương, các nền văn hoá khu vực và thế giới;
(6) Phòng hoạt động ứng dụng:
Là bộ phận chuyên môn làm nhiệm vụ đưa các kết quả nghiên cứu cơ bản về văn hoá học áp dụng vào thực tế, tham gia xây dựng chiến lược, chính sách quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá; tiến hành quảng bá các kết quả nghiên cứu, tổ chức công bố các kết quả nghiên cứu dưới mọi hình thức; tổ chức dịch thuật, in ấn, thảo luận các sản phẩm này; quản lý và phát triển tốt website vanhoahoc.vn.
Cơ cấu trên sẽ hoàn thiện dần.
5. Phương châm hoạt động của Trung tâm
LẦM VIỆC NHÓM giúp cho những người bình thường đạt được kết quả phi thường
TT VHH LL&ƯD