Phân Tích Thị Trường Hiệu Quả Với Mô Hình 5 Áp Lực Cạnh Tranh

Mô hình 5 áp Lực Cạnh Tranh của Michael Porter (Porter’s Five Forces) là công cụ phổ biến được doanh nghiệp sử dụng để phân tích thị trường. Nó cung cấp nhiều thông tin hữu ích về áp lực và rủi ro doanh nghiệp có thể gặp phải trong quá trình phát triển.

Xuất bản lần đầu trong cuốn sách “Competitive Strategy: Techniques for Analyzing Industries and Competitors” (Tạm dịch: Chiến lược cạnh tranh: Kỹ thuật phân tích ngành và đối thủ cạnh tranh) của Michael E. Porter năm 1980, mô hình đã nhanh chóng khẳng định được vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh.

Theo đó, mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter được xây dựng trên giả thiết rằng sẽ có 5 lực lượng môi trường ngành ảnh hưởng đến sự phát triển, mức độ cạnh tranh, sức hấp dẫn và lợi nhuận của một ngành hoặc thị trường. Từ đó giúp cho nhà quản trị chiến lược nắm được vị trí của công ty, doanh nghiệp mình đang đứng và định hướng chiến lược để đạt được vị trí mà công ty muốn đạt được trong tương lai.

Mô hình 5 áp lực lượng cạnh tranh

✍ Xem thêm: Chứng nhận ISO 9001 | Hệ thống quản lý chất lượng uy tín

2. Phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh

Mô hình bao gồm 5 áp lực cạnh tranh chính mà các doanh nghiệp phải đối mặt như: đối thủ cạnh tranh hiện tại, đối thủ cạnh tranh tiềm năng, nhà cung cấp, khách hàng và sản phẩm thay thế.

2.1 Phân tích đối thủ cạnh tranh trong ngành

Đối thủ cạnh tranh trong ngành hiện tại là những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm giống với doanh nghiệp của bạn, cùng mức giá, cùng phân khúc khách hàng, chất lượng sánh ngang nhau.

Để tìm ra được đối thủ cạnh tranh ngành hiện tại, chúng ta phải tìm hiểu và phân tích thị trường bằng việc trả lời cho câu hỏi: Đối thủ cạnh tranh hiện tại gồm những ai? Số lượng và chất lượng sản phẩm của họ trên thị trường như thế nào đối với chúng ta?

Đặc trưng:

  • Số lượng doanh nghiệp tham gia: Nếu trong một sản phẩm, lĩnh vực có quá nhiều doanh nghiệp tham gia cạnh tranh với nhau thì mức độ hấp dẫn của sản phẩm ấy sẽ giảm đi.
  • Năng lực của doanh nghiệp: Nếu một sản phẩm có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng toàn là những đối thủ không quá mạnh, họ chỉ tham gia cho có thì áp lực đấy cũng không tác động quá nhiều đến doanh nghiệp của bạn.

Dựa trên đặc trưng trên, chúng ta có thể nhận thấy yếu tố quyết định chính là số lượng doanh nghiệp tham gia và năng lực của các doanh nghiệp cạnh tranh.

Nếu trong ngành có số lượng doanh nghiệp tham gia quá lớn, sản phẩm tạo ra sẽ có ít nhiều sự tương đồng và khó tạo ra sự đột phá. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp đối thủ không quá mạnh, nó sẽ không gây ra nhiều áp lực khi doanh nghiệp tham gia vào thị trường.

2.2 Phân tích đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn

Bên cạnh những đối thủ đã có mặt trên thị trường, doanh nghiệp còn cần phải quan tâm đến những đối thủ tiềm ẩn hay doanh nghiệp mới sẽ tham gia vào ngành.

Vị trí doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nếu một doanh nghiệp mới xuất hiện với sản phẩm độc đáo hoặc tối ưu chi phí hiệu quả hơn. Vì thế, doanh nghiệp cần không ngừng cải tiến, hoàn thiện quá trình sản xuất để đối mặt với đối thủ tiềm ẩn.

Cũng tương tự như việc xác định đối thủ cạnh tranh hiện tại, việc tìm ra đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn cũng phải bám sát vào việc giải đáp các câu hỏi: Liệu doanh nghiệp có bị ảnh hưởng mạnh khi có một doanh nghiệp khác bước chân vào thị trường sản phẩm ấy? Làm thế nào để giữ được vị trí trong thị trường?

Đặc trưng:

  • Bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường và mặt hàng kinh doanh, có thể là hiện tại họ chưa gia nhập ngành sản xuất ấy, nhưng điều đó cũng không thể đánh giá rằng trong tương lai họ sẽ không tham gia.
  • Nếu sản phẩm có tính cạnh tranh và sinh lợi nhuận tốt, các doanh nghiệp sẽ bất chấp tham gia vào ngành hàng và chiếm lấy vị trí thống trị thị trường.
  • Để giảm thiểu tỷ lệ cạnh tranh trong ngành và giữ vững vị thế trong ngành thì bạn cần chú trọng tạo ra hàng rào để cản trở sự gia nhập của các doanh nghiệp:
    • Tạo ra sản phẩm khác biệt của riêng mình
    • Mở rộng sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất dẫn đến giảm giá thành sản phẩm
    • Mở bán trên nhiều kênh điện tử online và các trang mạng xã hội khác càng rộng càng tốt.

Nhiều khi, cục diện thị trường sẽ thay đổi hoàn toàn khi xuất hiện một đối thủ cạnh tranh mới.

2.3 Phân tích nhà cung ứng

Nhà cung ứng là các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào khâu cung cấp nguyên liệu, hàng hoá, dịch vụ. Hoạt động của doanh nghiệp trong ngành cũng bị ảnh hưởng bởi sự sẵn có của nhà cung cấp. Số lượng nhà cung ứng càng ít, mức độ phụ thuộc của doanh nghiệp càng lớn. Khi đó, nhà cung cấp sẽ có quyền quyết định về giá cả nguyên vật liệu, dịch vụ. Nó sẽ tác động đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ngược lại, nếu lượng nhà cung ứng lớn, doanh nghiệp sẽ có quyền lựa chọn đối tác phù hợp về chất lượng, số lượng và giá thành nguyên liệu. Lúc này, doanh nghiệp có thể tối ưu được chi phí và gia tăng lợi nhuận cho mình.

Áp lực từ nhà cung ứng cũng mang tính quyết định trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh. Muốn phân tích được áp lực từ phía nhà cung ứng, bạn chỉ cần trả lời 3 câu hỏi: Có bao nhiêu nhà cung ứng về sản phẩm ấy? Sản phẩm, dịch vụ của nhà cung ứng có điểm gì đặc biệt thu hút? Chi phí vận chuyển từ nhà cung ứng đến nơi tiêu thụ khoảng bao nhiêu?

Đặc trưng:

  • Nhà cung cấp quy định trực tiếp tới giá bán sản phẩm và lợi nhuận thu về của doanh nghiệp.
  • Nhà cung cấp tăng hoặc giảm giá thành sản phẩm đầu ra khiến doanh nghiệp cũng lao đao khi phải gồng gánh nguy cơ lỗ.
  • Vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhà cung cấp giảm chất lượng sản phẩm để duy trì lợi nhuận, đe dọa uy tín của doanh nghiệp.
  • Nhà cung cấp trên thị trường ít, khan hiếm thì rủi ro cho doanh nghiệp càng lớn.

Để giảm thiểu áp lực từ nhà cung ứng, mỗi doanh nghiệp nên duy trì một nhà cung ứng ổn định chỉ chuyên cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp.

✍ Xem thêm: Chuỗi cung ứng là gì? 5 thành phần tạo nên chuỗi cung ứng

2.4 Phân tích khách hàng

Khách hàng ở đây có thể được hiểu là người tiêu dùng cuối cùng, là đại lý hoặc doanh nghiệp nhỏ lẻ phân phối sản phẩm. Mỗi doanh nghiệp muốn thành công trên thị trường thì điều đầu tiên phải thành công trong lòng khách hàng. Những yếu tố doanh nghiệp cần lưu ý khi nghiên cứu về khách hàng bao gồm: số lượng khách hàng, mức độ trung thành và chi phí để tìm kiếm khách hàng mới.

Tương tự với khách hàng, chúng ta cũng tự đi tìm lời giải cho câu hỏi: Có bao nhiêu khách hàng hứng thú với sản phẩm này? Khách hàng có chấp nhận chuyển sang dùng thương hiệu khác với mức giá cao hơn, chất lượng, mẫu mã tốt hơn? Khách hàng có quyền tác động đến điều khoản, quy định của doanh nghiệp hay không?

Đặc trưng:

  • Nhiều lựa chọn: Khi trên thị trường có nhiều hàng hoá, nhiều doanh nghiệp sản xuất thì người tiêu dùng lại càng có nhiều lựa chọn, áp lực tiêu thụ hàng hoá đối với doanh nghiệp cũng tăng cao.
  • Có nhiều sản phẩm thay thế: Khách hàng có thể bỏ thương hiệu này sang dùng thương hiệu khác bất cứ lúc nào nếu doanh nghiệp không giữ vững được sự ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng hàng hoá.

Một điều nên nhớ, khách hàng cũng có quyền tác động tới giá cả sản phẩm.

✍ Xem thêm: CRM là gì? Hệ thống quản lý quan hệ khách hàng toàn diện

2.5 Sản phẩm thay thế

Sản phẩm thay thế là các hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp này có thể thay thế hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp khác với cùng một mức giá, cùng chất lượng sản phẩm nhưng khác nhau về ưu đãi hoặc mẫu mã. Đây là một áp lực lớn cho doanh nghiệp. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu thụ hàng hóa và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo để cải tiến sản phẩm của mình

Trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh thì sản phẩm thay thế là yếu tố cần được nghiên cứu và cập nhật liên tục bởi tính mới mẻ và liên tục thay đổi của thị trường: Sản phẩm này có nguy cơ bị thay thế không? Nếu có, sẽ bị thay thế bởi sản phẩm như thế nào, từ nhà cung cấp nào?

Đặc trưng:

  • Sản phẩm thay thế tạo ra áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.
  • Sản phẩm thay thế ra đời với tính năng mới hơn, mẫu mã đẹp hơn cùng chất lượng tốt hơn nhưng giá thành sản phẩm vẫn không đổi.
  • Ngày nay, các doanh nghiệp cũng đứng trước doanh nghiệp phải liên tục sáng tạo không ngừng để làm mới sản phẩm nhằm thu về lợi nhuận tốt hơn.

✍ Xem thêm: Chất lượng sản phẩm là gì? 8 yếu tố tạo nên chất lượng hàng hoá

3. Mục tiêu của mô hình 5 áp lực

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh được coi là công cụ hữu hiệu để một doanh nghiệp đánh giá được vị thế của mình trên thị trường kinh doanh và đưa ra được hướng đi chiến lược cho tương lai nhằm giảm thiểu tối đa sự rủi ro có thể xảy ra cho doanh nghiệp. Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter tương ứng với 4 mục tiêu chính:

  • Tìm hiểu và xác định được đối thủ cạnh tranh trong ngành
  • Xác định mối quan hệ giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng
  • Xác định các mối đe dọa tới sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai
  • Xác định nguy cơ rủi ro khi gia nhập thị trường chính thức

✍ Xem thêm: Chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hoá | 5 lưu ý cần biết

4. Những lợi ích từ mô hình 5 áp lực cạnh tranh

Mô hình cạnh tranh 5 áp lực đưa ra chủ yếu để giúp các doanh nghiệp tối ưu hoá lợi nhuận. Bên cạnh đó cũng đem lại 3 lợi ích cơ bản sau:

Định hướng lại chiến lược phát triển doanh nghiệp: Sau khi phân tích tình trạng hiện tại của doanh nghiệp cùng sự phát triển của các doanh nghiệp khác trong cùng ngành, doanh nghiệp sẽ tự biết áp lực nào là có lợi cho doanh nghiệp của mình. Thông qua đó cũng đưa ra chiến lược phát triển tốt hơn, đẩy mạnh tính cạnh tranh dựa trên những áp lực có lợi.

Tự đánh giá điểm mạnh, yếu: Tự nhìn nhận và đánh giá là cách tốt nhất để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân doanh nghiệp để từ đó dễ dàng đề xuất kế hoạch khắc phục.

Nắm bắt được tổng quan thị trường: Môi trường kinh doanh vốn rộng lớn và thay đổi liên tục, đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới và thích ứng, bắt kịp xu thế phát triển. 5 áp lực cạnh tranh giúp doanh nghiệp có cái nhìn đúng đắn nhất về tiến trình sắp tới đặt trong bối cảnh thị trường kinh doanh ngày một đổi mới và sáng tạo. Cải tiến về mẫu mã, chất lượng và đón nhận những áp lực đến từ nhiều phía cũng là cách giúp doanh nghiệp ngày một lớn mạnh hơn.

✍ Xem thêm: Quản lý rủi ro là gì? Quy trình 7 bước quản trị doanh nghiệp

5. Thách thức nào cho mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Porter?

Bên cạnh việc áp dụng linh hoạt mô hình 5 áp lực cạnh tranh thì các doanh nghiệp vẫn cần lưu ý một vài thách thức đi kèm dưới đây:

  • Tính thức thời: Mô hình này chỉ mang tính chất tham khảo, chỉ đúng tại một thời điểm với một đối tượng doanh nghiệp cụ thể nào đấy. Thêm vào đó, mô hình này cũng ra đời từ năm 1979 nên tính ứng dụng của nó cũng giảm đi phần nào.
  • Phù hợp thị trường tiêu chuẩn: Mô hình phù hợp với những thị trường có cấu trúc đơn giản, trong khi ngày nay các doanh nghiệp cần đánh giá nhiều hơn các yếu tố khác như phân đoạn, thị trường, nhóm sản phẩm lớn,….thay vì chỉ quan tâm đến 5 áp lực đấy.

✍ Xem thêm: SWOT là gì? Bỏ túi bí quyết tăng trưởng và cải thiện doanh số

6. Ví dụ về mô hình 5 áp lực cạnh tranh

Phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Coca Cola

Cạnh tranh trong ngành của Coca Cola

Hai “người chơi” chính trong ngành sản xuất nước ngọt có gas là Coca Cola và Pepsi. Lực lượng cạnh tranh trong ngành cũng chỉ tập trung vào hai thương hiệu này, ngoài ra vẫn tồn tại một số thương hiệu nhỏ khác nhưng họ không gây ra “mối đe dọa” cạnh tranh lớn. Coca Cola và Pepsi có quy mô gần giống nhau và họ có các sản phẩm và chiến lược tương tự nhau. Mức độ khác biệt giữa hai thương hiệu cũng thấp. Do đó “cuộc chiến Cola” cạnh tranh về giá và thị phần giữa hai thương hiệu này rất gay gắt.

Đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Coca Cola

Trong ngành công nghiệp đồ uống có một số yếu tố ngăn cản các thương hiệu mới tham gia. Thứ nhất là việc phát triển một thương hiệu trong thời gian ngắn là không thể. Hoạt động sản xuất đến tiếp thị đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Để bắt đầu xâm nhập vào thị trường, các thương hiệu địa phương có thể bắt đầu với quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên, số chi phí đầu tư cho tiếp thị và tuyển dụng lao động chất lượng cao cũng rất cao. Thứ hai, ngoài khó khăn về chi phí đầu tư, các đối thủ cạnh tranh cần phải tính toán đến thời gian để xây dựng lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu của họ.

Quyền thương lượng của nhà cung ứng đối với Coca Cola

Sức mạnh của nhà cung ứng trong trường hợp này là rất yếu. Bởi Coca Cola có thể dễ dàng chuyển đổi từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác, nhưng không có nhà cung cấp nào có thể chuyển đổi khỏi Coca Cola một cách dễ dàng. Điều đó có thể dẫn đến tổn thất cho bất kỳ nhà cung cấp nào. Các yếu tố chính về sức mạnh của nhà cung ứng như sau:

  • Có rất nhiều nhà cung cấp
  • Các nhà cung cấp khó có thể áp dụng “chiến lược hội nhập về phía trước” đối với Coca Cola
  • Chi phí chuyển đổi nhà cung cấp của Coca Cola không quá cao

Quyền thương lượng của khách hàng đối với Coca Cola

Sức mạnh khách hàng cá nhân trong trường hợp Coca Cola là thấp. Khách hàng cá nhân thông thường sẽ mua sản phẩm với số lượng ít và không tập trung ở một thị trường cụ thể nào. Tuy nhiên, Mức độ khác biệt giữa sản phẩm của Pepsi và Coca cola là thấp. Chi phí chuyển đổi không cao đối với khách hàng thông thường vẫn là giữa hai thương hiệu Pepsi và Coca Cola. Các khách hàng của coca cola không nhạy cảm về giá. “Chiến lược hội nhập về phía sau” của khách hàng với Coca Cola không “khả thi” dù là khách hàng cá nhân hay nhà bán lẻ lớn. Sức mạnh khách hàng có chăng chỉ xuất hiện khi họ mua sản phẩm với số lượng lớn. Tuy nhiên, nhìn chung sức mạnh của khách hàng với thương hiệu Coca Cola là yếu.

Sự đe dọa đến từ sản phẩm thay thế đối với Coca Cola

Sản phẩm thay thế chính của các sản phẩm Coca Cola là đồ uống được sản xuất bởi Pepsi, nước ép trái cây và các loại đồ uống nóng và lạnh khác. Số lượng sản phẩm thay thế của Coca Cola rất cao. Có một số loại nước ép và các loại đồ uống nóng và lạnh khác trên thị trường. Chi phí chuyển đổi thấp cho khách hàng. Ngoài ra, chất lượng của các sản phẩm thay thế nói chung cũng tốt. Vì vậy, dựa trên những yếu tố này, mối đe dọa từ các sản phẩm thay thế là rất mạnh.

Phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Coca Cola

Hy vọng những thông tin trên, bạn đọc một cái nhìn toàn diện về việc nghiên cứu, áp dụng mô hình 5 áp lực cạnh tranh trên thực tế. Mọi yêu cầu về dịch vụ của Vinacontrol CE. Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Hotline 1800.6083 email vnce@vnce.vn hoặc chat ngay với chuyên viên để được hỗ trợ tốt nhất.

Nguồn: https://vanhoahoc.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *