Nghệ thuật 36 giá Hầu Đồng – Hiểu và thực hành đúng đắn

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ, cụm từ “Hầu đồng” ngày càng xuất hiện nhiều trên không gian mạng. Bên cạnh những hình ảnh đẹp mang ý nghĩa giáo dục tích cực, cũng có không ít cá nhân biến tướng nghệ thuật Hầu Bóng, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của tín ngưỡng thờ Mẫu. Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng đắn về nghệ thuật Hầu Đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ (Đạo Mẫu), đồng thời hướng dẫn cách thực hành Hầu Đồng một cách chân chính để lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.

Tìm hiểu về nghệ thuật 36 giá Hầu Đồng

Hầu Đồng, còn gọi là Hầu Bóng, là một nghi lễ tín ngưỡng Đạo Mẫu có nguồn gốc từ vùng Đồng Bằng Bắc Bộ từ thời xa xưa. Thông thường sẽ có 36 giá hầu đồng, mỗi giá hầu được các Thanh Đồng hay Chân Đồng biểu diễn và truyền đạt về một huyền tích của một vị Thánh trong hệ thống Đạo Mẫu.

Nghi lễ này vừa được coi là một nghi thức linh thiêng, vừa là một nghệ thuật diễn xướng văn hóa độc đáo nhờ sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố phụ trợ khác. Hoàn toàn không phải là mê tín dị đoan như một số người vẫn hiểu lầm.

Nghệ thuật Hầu Đồng bao gồm 36 giá Hầu Đồng được tổng hợp từ câu chuyện, trang phục, hát văn, âm nhạc để tăng tính nghệ thuật và tính thiêng liêng của việc thực hành tín ngưỡng.

NSƯT Xuân Hinh Hầu Đồng trong một buổi biểu diễn nghệ thuật

Hầu Đồng dưới góc nhìn văn hóa

Theo PGS.TS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: “Nghệ thuật hầu đồng là một hoạt động tín ngưỡng rất linh thiêng của riêng người Việt Nam trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ (gồm Thiên, Địa, Thoải Phủ và Nhạc Phủ). Đây là một di sản văn hóa và là một nhu cầu lớn trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng của quần chúng nhân dân cần được bảo tồn, quản lý và phát huy những giá trị tốt đẹp mà Hầu Đồng và Đạo Mẫu đem lại.”

Hầu Đồng dưới góc nhìn nghi lễ tín ngưỡng

Xét về bản chất của một nghi lễ nói chung, nghi lễ dùng để thể hiện niềm tin của tín đồ (người thực hành nghi lễ). Bản thân việc thực hành nghi lễ đã mang tính chất linh thiêng, diễn ra trong một không gian thiêng liêng và hướng về một đấng thần thánh nào đó.

Đối với Đạo Mẫu Tứ Phủ, nghi lễ Hầu Đồng là một nghi thức vô cùng đặc biệt trên thế giới. Tại đây, các Con Nhang Đệ Tử được trực tiếp mặc trang phục và hóa thân vào các vị thánh linh thiêng trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Hình ảnh Cô Đồng đang chuẩn bị khăn áo cho một giá hầu đồng

Dưới sự phong phú từ âm nhạc và trang phục, mỗi giá đồng đã truyền đạt được những giá trị về nguồn gốc của các vị Thánh và đặc trưng mỗi miền trong Tứ Phủ như Ông Hoàng Mười Nghệ An, Chầu đệ nhất thượng thiên, Cậu hoàng cả… Một buổi hầu đồng sẽ thể hiện được sự linh thiêng và lòng tôn kính của Con Nhang Đệ Tử hướng về Đạo Mẫu.

Mục đích và ý nghĩa của Hầu Đồng

Theo nghiên cứu của các chuyên gia văn hóa Việt Nam, từ những năm 1880 trở về trước, thông thường những người ra Hầu chỉ là các Thanh Đồng hoặc Chân Đồng có Căn Đồng.

Tuy nhiên, đến thời hiện đại ngày nay, câu hỏi “Hầu Đồng để làm gì” lại được đặt ra nhiều hơn, bởi hoạt động này diễn ra ngày càng phổ biến và cộng đồng Con Nhang Đệ Tử tham gia Hầu Bóng ngày một đông dưới các hình thức và mục đích khác nhau. Nhưng nhìn chung, hoạt động Hầu Bóng đều nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng trong Đạo Mẫu Tứ Phủ.

Về khía cạnh tâm linh

Thực hành tín ngưỡng Hầu Đồng nhằm tôn sùng mẹ thiên nhiên, thể hiện lòng biết ơn và tôn thờ các vị Thánh trong tín ngưỡng Thờ Mẫu. Các Ông Đồng, Bà Đồng thực hiện nghi lễ Hầu Bóng để cầu sự bình an, sức khỏe, tài lộc và quan lộc…

Tất cả các vị thánh thần trong Đạo Mẫu đều gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Do đó, việc thực hành Lên Đồng cũng chính là thể hiện lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước đã được tâm linh hóa, tôn thờ các vị anh hùng dân tộc, những vĩ nhân đã có công với đất nước.

Theo ghi chép lịch sử và truyền miệng trong dân gian, ngày xưa các Thanh Đồng Phù Thủy còn thực hiện nghi lễ Lên Đồng để giúp người trừ tà, chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay rất khó bắt gặp những giá hầu đồng như vậy.

Về khía cạnh tâm lý

Các Thanh Đồng khi được hóa thân trong nghi lễ Hầu Đồng, nương theo lời ca điệu nhạc hát văn mà họ được giải thoát, trút bỏ được những gánh nặng tâm lý đang mang trên người. Từ đó có thể đạt được sự cân bằng và bình an trong cuộc sống.

Tổng hợp hình ảnh nghi lễ Hầu Đồng thời xưa

Hình ảnh chuẩn bị khăn áo cho một giá hầu

Hình ảnh mọi người làm lễ hầu đồng

Thanh Đồng đang thực hiện nghi lễ hầu đồng

Thanh đồng trong trang phục khăn áo đơn giản thời xưa

Con nhang đệ tử đang xin lộc thánh trong nghi lễ thời xưa

Hình ảnh các khách mời trợ duyên trong một buổi lễ hầu đồng

Cách Thực hành Hầu Đồng đúng đắn

Như đã đề cập ở trên, trong những năm gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp một số cá nhân thực hành nghi lễ Hầu Đồng theo cách biến tướng và làm xấu đi hình ảnh Đạo Mẫu trong mắt đại chúng.

Hiện nay, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Để bảo tồn nét đẹp văn hóa này, pháp luật cũng đã đưa ra quy định về các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu trong đó có nghi lễ Hầu Bóng. Tùy theo hậu quả mà bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm sai.

Vì thế, hãy tìm hiểu thật kỹ càng quy định pháp luật về nghi lễ Hầu Đồng và tuân theo. Chỉ nên thực hành Hầu Đồng trong môi trường linh thiêng nhằm mục đích phục vụ nghi lễ tín ngưỡng hoặc dưới dạng biểu diễn nghệ thuật (có sự cấp phép của các cơ quan chức năng).

Tuyệt đối không sử dụng Hầu Bóng để tuyên truyền mê tín dị đoan, trục lợi và làm xấu đi nét văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Nguồn: https://vanhoahoc.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *