Cháo không chỉ giúp trẻ hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mà còn kích thích vị giác của trẻ. Mẹ hãy cùng vanhoahoc.vn đổi món mỗi ngày cho trẻ với 22 món cháo dinh dưỡng thơm ngon dưới đây nhé.
1. Cháo lươn cà rốt
Theo Đông y, lươn có tác dụng bồi bổ khí huyết, chữa bệnh biếng ăn, ăn không tiêu, tiêu chảy, suy dinh dưỡng ở trẻ em. Đặc biệt, các thành phần dinh dưỡng trong lươn cũng rất nhiều như chất đạm 12,7g, chất béo 25,6g, năng lượng 285 calo. Vì vậy, lươn thường được các bà nội trợ chế biến thành nhiều món cháo dinh dưỡng cho trẻ nhỏ như cháo lươn cà rốt chẳng hạn.
Chuẩn bị: 25g gạo tẻ, 10g thịt lợn, 20g cà rốt, 1 con lươn loại vừa còn sống.
Cách làm: Sơ chế lươn, sau đó cho vào hấp hoặc luộc chín, lấy phần thịt, bằm nhỏ. Sau khi gạo tẻ chín mềm cùng cà rốt (thái nhỏ) thì cho lươn vào nấu tiếp. Khi cháo chín, nêm gia vị vừa phải rồi đun thêm khoảng 7-10 phút. Tắt bếp, để nguội khoảng 2 phút rồi cho trẻ ăn.
2. Cháo thịt cóc củ mài
Chuẩn bị: 5g thịt cóc, củ mài 20g, gạo tẻ, gạo ếp vừa đủ.
Cách làm: Gạo nếp, gạo tẻ, củ mài xay thành bột sau đó nấu chín. Cóc lấy phần đùi và mình, nướng vàng và tán thành bột. Cháo sau khi chín, cho bột cóc vào, nêm gia vị, đun nhỏ lửa khoảng 10 phút thì tắt bếp.
Với loại cháo này, mẹ có thể cho trẻ ăn 3 lần/ngày, hoặc ăn liên tục trong 5 ngày, sau đó dừng lại 5 ngày rồi lại tiếp tục ăn.
3. Cháo thịt gà nấu bí đỏ
Thịt gà và bí đỏ đều có tính ấm, nên khi kết hợp với nhau sẽ giúp cơ thể lưu thông khí huyết, trẻ ăn ngon miệng và hấp thụ tốt hơn.
Chuẩn bị: 50g thịt gà, 50g bí đỏ, 80g gạo tẻ
Cách làm: Thịt gà bỏ xương, băm nhỏ. Bí đỏ hấp và tán sao cho nhuyễn. Gạo tẻ sơ chế, đun chín nhừ, sau đó cho bí đỏ và thịt gà ninh khoảng 10 phút. Nêm gia vị sao cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Lưu ý, cho trẻ ăn khi cháo còn ấm giúp trẻ ăn ngon hơn và hương vị cháo cũng không bị mất đi.
4. Cháo thịt/ xương nấu cùng đậu cô ve
Nguyên liệu: gạo tẻ 25g, đậu 30g, thịt 20g
Cách làm: Thịt heo và đậu xay nhuyễn. Đối với xương thì ninh lấy nước dùng để nấu cùng gạo. Sau khi gạo được nấu thành cháo trắng đặc, cho thịt heo và đậu xay nhuyễn vào nấu khoảng 2 phút, nêm gia vị vừa miệng và tắt bếp.
Lưu ý, không nên nấu kỹ quá khiến đậu sẽ mất đi vitamin nhé mẹ!
5. Cháo cua
Chuẩn bị: bột gạo 20g, bột bông cải 20g, bột năng 5g, cua.
Cách làm: Cua luộc chín, lấy thịt, xay nhuyễn. Sau đó hòa cua với ít nước cho tan đều. Cho nước và bột năng vào nấu chín, tiếp tục cho bột gạo, cua vào đảo đều khoảng 2 phút. Thấy cháo chín mịn, cua tan trong cháo thì nêm gia vị và tắt bếp.
Mẹ nên cho trẻ thưởng thức món cháo dinh dưỡng này khi còn ấm để cháo không bị tanh và mất đi hương vị.
6. Cháo tôm cải thảo hoặc cải xanh
Mẹ có thể biến tấu cháo dinh dưỡng với cháo tôm nấu cùng cải thảo hoặc cải xanh. Hai loại cải này đều thích hợp cho việc nấu cùng tôm. Món cháo này thích hợp với những trẻ đang bị rôm sẩy, nóng trong người.
Chuẩn bị: Gạo tẻ 25g, tôm 2 con lớn, 1 bẹ cải thảo hoặc 10g cải xanh.
Cách làm: Gạo vo sạch, nấu thành nồi cháo trắng đặc. Tôm luộc chín, bóc vỏ, lấy thịt đem giã nhỏ. Sau đó, cho tôm xào sơ qua cùng hành tím. Cải thảo hoặc cải xanh băm nhỏ, cho xào cùng tôm. Cháo trắng chín, cho hỗn hợp tôm và rau vào đảo đều trong 2 phút, nêm gia vị rồi tắt bếp.
7. Cháo cá lóc cà rốt
Với món cháo này, mẹ có thể kết hợp nấu cùng cà rốt, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Chuẩn bị: Gạo tẻ 20g, cà rốt 10g, cá lóc nhỏ.
Cách làm: Gạo tẻ cho nấu thành cháo trắng đặc. Cá lóc luộc, bỏ xương lấy thịt. Mẹ nhớ là lọc bỏ xương thật kỹ vì cá lóc có khá nhiều xương nhỏ. Sau đó, cà rốt nấu chín, xay nhuyễn, trộn hỗn hợp cá, cà rốt vào cháo trắng, nêm gia vị và nấu thêm 5 phút, tắt bếp.
Mẹ nhớ cho trẻ ăn khi còn nóng để cá không dậy mùi tanh.
8. Cháo thịt bò
Thịt bò có thể kết hợp với cà rốt, khoai tây để nấu thành món cháo dinh dưỡng cho trẻ.
Chuẩn bị: cà rốt hoặc khoai tây 30g, thịt bò, gạo tẻ.
Cách làm: Gạo tẻ nấu thành cháo trắng đặc, chín mềm. Thịt bò xay nhuyễn. Cà rốt luộc chín và tán nhuyễn. Sau khi cháo trắng chín, cho thịt bò vào nấu 1 phút. Nêm gia vị và cho cà rốt vào, tắt bếp.
Cháo thịt bò rau củ không chỉ thơm ngon mà còn cung cấp rất nhiều dinh dưỡng cho trẻ.
9. Cháo chim cút cùng vỏ quýt khô
Chuẩn bị: Chim cút 1 con, gạo nếp, gạo tẻ, vỏ quýt 30g.
Chim cút sơ chế, bỏ ruột, đầu, ướp mắm muối. Vỏ quýt tán thành bột, sau đó nhồi vào bụng chim cút và cho nấu cùng với gạo tẻ, gạo nếp. Đun khoảng 20 phút, thấy cháo chín hơi đặc, nêm gia vị vừa đủ, tắt bếp.
Mẹ lấy phần cháo cho trẻ, phần thịt có thể lấy hoặc không. Mỗi ngày, cho trẻ ăn 1 lần và có thể ăn liên tục từ 5 – 10 ngày.
10. Cháo ếch rau mồng tơi
Chuẩn bị: Ếch loại vừa, gạo tẻ, rau mồng tơi.
Cách làm: Sơ chế ếch, lấy phần thịt băm nhỏ, sau đó xào qua với hành phi cho thơm. Rau mồng tơi thái chỉ. Gạo cho vào nấu thành cháo trắng đặc. Khi thấy cháo chín mịn, cho rau vào nấu nhừ. Sau khi rau chín, cho thịt ếch vào, nêm gia vị, tắt bếp.
Mẹ nhớ nấu rau mồng tơi kỹ để trẻ ăn không bị đau bụng.
11. Cháo cá lóc khoai tây
Mẹ có thể chế biến món cháo cá lóc kếp hợp với củ khoai tây.
Chuẩn bị: cá lóc 30g, bột gạo 20g, khoai tây 10g.
Cách làm: Cá lóc làm sạch, luộc chín lấy thịt. Khoai tây luộc chín, xay hoặc tán nhuyễn. Sau đó cho hỗn hộp cá, rau củ nấu chín, cho bột gạo vào từ từ, khuấy đều cho mịn. Nêm gia vị vừa đủ, cháo chín tới thì tắt bếp.
Các mẹ có thể tham khảo thêm một số loại cháo dinh dưỡng dễ làm dành cho trẻ nữa nhé.
12. Cháo thịt heo nấu cùng rau ngót
Chuẩn bị: Gạo tẻ, thịt nạc 30g, rau ngót 30g.
Cách làm: Gạo vo sạch, bắc lên bếp đun tới khi thành cháo trắng đặc. Thịt heo sơ chế, băm nhỏ. Rau ngọt vò nát, xắt nhuyễn hoặc cho xay nhuyễn. Hành đập nhỏ, phi thơm, trút thịt heo vào xào sơ, nêm nếm gia vị vừa miệng. Thịt chín tới, mẹ đổ thịt vào nồi cháo, đảo đều tới khi thịt chín thì cho rau ngót đã say vào nấu tiếp. Để lửu liu riu trong vòng 5 phút, khi thấy cháo, thịt, rau đều chín, quyện đều thành màu xanh nhạt thì mẹ nêm gia vị lần cuối, trộn một ít thìa café dầu ăn dành riêng cho trẻ, tắt bếp.
Mẹ nhớ rau ngót phải nấu chín để tránh bị sống, có mùi hăng, trẻ ăn sẽ không ngon miệng.
13. Cháo thịt heo bí đỏ
Bí đỏ rất giàu vitamin A, cực tốt cho đôi mắt của trẻ. Kết hợp với thịt heo sẽ giúp bé thưởng thức món cháo dinh dưỡng và thơm ngon.
Chuẩn bị: gạo tẻ 30g, thịt heo 30g, một miếng nhỏ bí đỏ.
Cách làm: Gạo nấu chín thành cháo trắng đặc. Thịt heo sơ chế, băm nhỏ hoặc xay nhuyễn. Bí đỏ bỏ vỏ, ruột, cắt hạt lựu. Hành trắng đập dập, phi thơm, trút thịt heo vào xào sơ, nêm gia vị vừa miệng. Bí đỏ cho vào cháo nấu nhừ. Sau đó, cho thịt vào cháo, để khoảng 2 phút, thấy thịt chín, mẹ cho thêm một chút dầu ăn dành cho trẻ, đảo đều và tắt bếp.
Khi nấu cháo bí đỏ, mẹ có thể cho một chút dầu oliu hoặc bơ, như vậy, hương vị cháo sẽ thơm ngon hơn rất nhiều.
14. Cháo thịt heo/ sườn heo nấu cùng đậu Hà Lan
Chuẩn bị: 30g gạo tẻ, thịt heo 30g hoặc sườn heo 100g, đậu Hà Lan 10g.
Cách làm: Gạo tẻ nấu chín thành cháo trắng (Nếu nấu bằng sườn heo thì ninh sườn cho tới khi nhừ, lấy nước nấu cùng gạo thành cháo). Đậu Hà Lan sơ chế, cho vào nồi, đổ ngập nước, nấu chín mềm. Sau khi đậu chín, mẹ nghiền nát đậu bằng tay. Hành đập dập, phi thơm, trút thịt heo đã băm sẵn vào xào sơ qua, nêm gia vị vừa đủ. Thịt heo chín tới, cho vào cháo trắng đảo đều. Khoảng 1 phút sao, cho tiếp đậu Hà Lan vào. Nêm gia vị lần cuối, tắt bếp.
Đối với sườn heo, sau khi ninh nhừ lấy nước nấu cháo, mẹ gỡ phần thịt, xé nhỏ và cho vào cháo.
15. Cháo thịt bò nấu cà rốt, phô mai
Thịt bò giàu dinh dưỡng, kế hợp cùng cà rốt và phô mai sẽ mang lại hương vị béo, thơm ngon, kích thích vị giác của trẻ.
Chuẩn bị: Thịt bò 30g (thịt bò thăn), cà rốt 30g, phô mai 1-2 miếng nhỏ.
Cách làm: Thịt bò sơ chế, băm nhỏ hoặc xay nhuyễn. Cà rốt cắt hạt lựu. Hành trắng đập dập, phi thơm, trút thịt bò xào sơ qua, nêm gia vị, tắt bếp. Gạo trắng nấu thành cháo trắng đặc, sau đó cho thêm cà rốt vào nấu nhừ khoảng 5-7 phút. Khi cháo trắng cà rốt sánh, mịn, mẹ cho thịt bò vào, đảo đều, nêm gia vị, tắt bếp. Múc cháo ra bát, cho phô mai vào đánh tan, để cháo bớt nóng thì cho trẻ ăn.
Mẹ nhớ không nên nấu thịt bò quá lâu ở nhiệt độ cao sẽ khiến thịt dai. Đối với những bé không thích ăn cháo có vị béo thì mẹ không nên cho phô mai.
16. Cháo tôm súp lơ
Chuẩn bị: gạo tẻ 30g, tôm 5-7 con loại lớn, 1 nhánh súp lơ nhỏ, dầu ăn cho trẻ hoặc 1,2 miếng phô mai.
Cách làm: Gạo tẻ nấu thành cháo trắng đặc mịn. Tôm sơ chế, bỏ vỏ và chỉ đen ở lưng, cắt hạt lựu. Ướp tôm với chút gia vị, dầu ăn, hành giã nhỏ. Súp lơ xanh trần qua nước sôi, thái miếng nhỏ, sau đó cho vào cháo nấu chín. Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành, cho tôm xào sơ qua, nêm gia vị vừa miệng, tắt bếp. Sau đó trút tôm vào nồi cháo trắng, đảo đều tay cho tôm, cháo, súp lơ hòa quyện. Khi thấy cháo chín tới, sánh mịn thì tắt bếp.
Múc cháo ra bát, cho phô mai vào đánh tan hoặc thêm chút dầu ăn dành cho trẻ.
17. Cháo cua cùng bí đỏ
Bí đỏ không chỉ kết hợp với thịt heo, bò mà còn rất thích hợp khi kế hợp cùng cua.
Chuẩn bị: gạo tẻ 30g, cua, bí đỏ 30g.
Cách làm: Gạo tẻ nấu chín thành cháo trắng đặc, loãng tùy theo sở thích của trẻ. Sau đó cho bí đỏ cắt hạt lưu vào nấu chín. Thịt cua hấp chín, lấy thịt. Phi thơm hành, trút cua vào xào nhanh tay, nêm gia vị tắt bếp. Cho cua đã xào vào nồi cháo, đảo đều, nêm gia vị lần cuối, tắt bếp.
Mẹ có thể cho thêm dầu ăn hoặc phô mai sau khi đã múc cháo nóng ra bát.
18. Cháo trứng + đậu hũ non
Chuẩn bị: Gạo 30g, trứng gà 1 quả, đậu hũ một miếng nhỏ.
Cách làm: gạo tẻ nấu thành cháo trắng hơi đặc. Trứng và đậu trộn đều, đánh nhuyễn. Khi cháo sôi, cho hỗn hộp trứng đậu vào nồi cháo, đảo nhanh, nêm gia vị vừa đủ rồi tắt bếp. Mẹ có thể rắc thêm chút ngò nếu trẻ ăn được để tăng thêm hương vị. Với cháo này, mẹ cũng nhớ cho trẻ ăn nóng để cháo không bị dậy mùi tanh của trứng khi nguội.
19. Cháo trứng bắc thảo
Trứng bắc thảo rất giàu dinh dưỡng, khi nấu lên có vị thơm đặc biệt, chắc chắn sẽ kích thích vị giác của trẻ.
Chuẩn bị: gạo tẻ 30g, trứng gà 1 quả, ½ lòng đen hột vịt bắc thảo.
Cách làm: Gạo tẻ nấu thành cháo hơi đặc, mịn. Đánh đều trứng trong bát cùng với lòng đen trứng bắc thảo. Lòng đen sẽ còn cợn lại một chút, khi cho vào cháo sẽ tan hết. Khi nồi cháo sôi, trút hỗn hợp trứng gà và trứng bắc thảo vào, đảo đều tay, nêm gia vị vừa đủ, sau 2 phút tắt bếp. Mẹ có thể nêm thêm chút dầu ăn cho bé.
Với món ăn này, mẹ có thể xắt thêm ít lá tía tô cho trẻ ăn, có tác dụng giải cảm rất tốt.
20. Cháo gan
Chuẩn bị: Gạo tẻ 30g, gan heo miếng nhỏ, cà chua ½ quả.
Cách làm: Gạo tẻ nấu thành cháo trắng loãng hoặc đặc tùy theo sở thích của bé. Gan băm nhuyễn, cà chua bỏ vỏ, bỏ hạt, thái hạt lựu. Đập dập hành trắng, phi thơm, cho gan vào xào (mẹ nhớ lựa gan còn tươi trong ngày, không chọn gan đã để qua đêm). Khi gan dậy mùi, cho tiếp cà chua vào xào cho chín, nêm gia vị vừa miệng, tắt bếp. Khi thấy nồi cháo sôi thì cho gan, cà chua vào, đảo đều, nêm gia vị lần cuối, tắt bếp.
Với món ăn này, mẹ nhớ cho trẻ ăn khi còn nóng để cháo không dậy mùi tanh của gan khi nguội.
21. Thanh đạm cháo đậu hũ rau ngót
Nếu trẻ biếng ăn rau, mẹ có thể chế biến món cháo này để tăng cường chất xơ cho trẻ.
Chuẩn bị: Gạo tẻ 30g, đậu hũ miếng nhỏ, rau ngót 30g.
Cách làm: Gạo tẻ nấu chín thành cháo trắng đặc, mịn. Đậu hũ nghiền nát, rau ngót làm sạch, xay nhuyễn hoặc xắt nhỏ. Khi nồi cháo đang sôi, cho rau ngót vào nấu chín, nêm gia vị vừa đủ, tiếp tục trút hết đậu vào nồi cháo, đảo đều. Mẹ lại nêm gia vị lần cuối và tắt bếp.
Mẹ múc cháo ra bát và nêm thêm chút dầu ăn cho bé để cháo có vị ngậy thơm.
22. Cháo thịt gà nấm rơm
Chuẩn bị: gạo tẻ 30g, 1 đùi gà, nấm rơm 30g
Cách làm: Đùi gà ninh nhừ lấy nước để nấu cháo. Gạo tẻ nấu với nước gà ninh thành cháo trắng đặc, mịn. Gà bỏ xương, xé nhỏ thịt. Nấm rơm làm sạch, thái chỉ hoặc xắt nhỏ. Khi cháo sôi, mẹ cho nấm rơm vào đun đến khi chín, tiếp tục cho thịt gà vào ninh nhừ. Cháo chín, nêm gia vị vừa miệng, tắt bếp. Mẹ có thể cho thêm chút hành nếu trẻ ăn được gia vị.
vanhoahoc.vn (Tổng hợp)
hướng dẫn nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ em